Điều quan trọng mang lại thành công cho “ông lớn” SM chính là việc mỗi nghệ sĩ, mỗi nhóm nhạc của họ đều tạo ra trào lưu có ảnh hưởng đến thế giới.
Là công ty đi đầu trong việc đào tạo những nhóm nhạc thần tượng từ thời huyền thoại H.O.T, SM đã đưa Kpop phủ sóng toàn châu Á và thế giới bằng việc tạo ra những trào lưu thay đổi cả nền âm nhạc và thời trang… trong nước và quốc tế.
Trào lưu hook song
Hook song – những ca khúc có giai điệu bắt tai, lặp đi lặp lại kết hợp cùng vũ đạo đều, đẹp mắt và dễ dàng bắt chước – đã trở thành một trào lưu sáng tác của các nhạc sĩ và là mục tiêu thu hút fan của các idol, sau đại thắng của “Gee” và “Sorry Sorry”. Đây cũng là hai ca khúc mang lại danh tiếng toàn cầu cho SNSD và Super Junior.
Không chỉ khiến hook song trở thành xu hướng âm nhạc quen thuộc, “Gee” và “Sorry Sorry”cũng là những sản phẩm mở đầu cho cơn bão nhảy cover các ca khúc Kpop vô cùng rầm rộ ở châu Á và lan tới cả các châu lục khác.
Trào lưu nhóm nhạc đông người
Trước khi Super Junior ra mắt, 3 đến 5 là con số phổ biến đối với đội hình một nhóm nhạc. Bởi vậy, khi giới thiệu Super Junior trước công chúng với đội hình 12 người, các khán giả coi đó là một bước đi “điên rồ” của SM.
Thế nhưng những màn biểu diễn đẹp mắt cùng vũ đạo đồng đều của Super Junior, tiếp sau đó là thế hệ các 9 cô gái vàng SNSD với những thành công vang dội đã chứng minh tầm nhìn xa trông rộng của SM.
Và liên tiếp những nhóm nhạc “đông dân” khác ra đời nâng con số thành viên trung bình của các nhóm nhạc thần tượng lên thành 7 đến 9 người như After School (có thời điểm lên 9 người ), Rainbow (7 người), Nine Muses (9 người ), T-ara (có thời điểm lên 8 người ), 2PM (ra mắt với 7 người), ZE:A (9 người )…
Trào lưu thời trang
Những chiếc quần skinny nhiều màu sắc đã trở thành “mốt” thay thế cho phong cách quần ống loe và quần rách từ sau khi được các cô nàng SNSD lăng xê qua “Gee”, đồng thời việc các nhóm nữ sử dụng đồng phục quần short để khoe vũ đạo chân dài cũng bắt nguồn từ “Gee”. Hay như phong cách quần short kết hợp cùng bốt cao cổ cũng nổi lên từ thời “Oh”.
“Juliette” của Shinee sau khi ra mắt đã công phá các bảng xếp hạng âm nhạc, đồng thời cũng biến chiếc quần skinny không còn là thời trang của riêng phái nữ nữa. Các chàng trai cũng lựa chọn cho mình những chiếc quần bó sát để diện khắp nơi.
Trong khi đó, EXO cũng tiếp nối truyền thống thời trang của gà nhà bằng việc tạo nên cơn sốt quần đũng rộng khi mặc nó trong những MV của mình.
Trào lưu hình tượng
Có hai hình tượng tuy không chính thức bắt nguồn từ SM nhưng lại nhờ SM mà trở nên nổi tiếng hơn. Đó là hình tượng những anh chàng “đẹp gái” và hình tượng những cô nàng “đẹp trai”.
Thậm chí đã có một thời gian các nghệ sĩ Hàn Quốc đua nhau thu hút sự chú ý bằng việc trang điểm, làm tóc lộng lẫy khiến phái nữ cũng phải “kiêng nể”. Mốt giả gái trở nên thời thượng từ khi Hee Chul (Super Junior) nổi tiếng với những màn giả gái xinh đẹp, hay Tae Min (Shinee) luôn nằm trong danh sách những thần tượng giả gái xinh đẹp nhất, cùng với sự kết hợp khác từ các fanservice của nhà SM.
Còn phong cách tomboy, tuy trước đó đã nổi tiếng trên thế giới thì tại Hàn Quốc, nó trở thành một trào lưu mạnh mẽ hơn với sự xuất hiện của Amber (Fx). Kpop vốn luôn ưa chuộng những cô nàng kẹo ngọt ngây thơ, dễ thương nay bỗng đổ rầm trước phong cách manly của Amber. Từ sau đó, ngày càng có nhiều tomboy, hay các nữ nghệ sĩ theo đuổi phong cách này song khó có ai vượt qua được Amber.
Trào lưu quay MV Onetake
MV Onetake là dạng MV quay một lèo – tức là sử dụng máy quay liên tục, không cắt ghép. Đây được coi như một sự phá cách trong quá trình “nhào nặn” những sản phẩm âm nhạc của SM.
Từ sau thành công của “Growl” – EXO, các MV Onetake trước đây đã được fan “đào” lại như “11AM” – Junsu – JYJ, “Love Song” – Big Bang… Và SM tiếp tục sử dụng cách quay này cho các MV tiếp theo như “Spellbound” của TVXQ , “Mr.Mr” của SNSD, “Be Natural” của Red Velvet , “Swing”của Super Junior – M , “This is love” của Super Junior.
Nhiều nghệ sĩ nước ngoài cũng thấy thú vị với trào lưu quay MV và sử dụng, trong đó có cả Việt Nam với MV “High” của Hoàng Thùy Linh.
Trào lưu Nhật – Trung tiến
Khi mà các nghệ sĩ khác đang tập trung mở rộng fandom trong nước thì SM lại cho BoA và TVXQ thực hiện kế hoạch Nhật tiến. Sự thành công rực rỡ của TVXQ tại đất nước mặt trời mọc khiến người người, nhà nhà Nhật tiến. Chính sự tấn công ồ ạt của các nghệ sĩ Kpop đã khiến cho Nhật Bản phải phát động cả một trào lưu chống làn sóng Hallyu.
Và khi mà mọi người chỉ “chăm chăm” đến Nhật thì SM nhìn ra tiềm năng mới tại thị trường Trung Quốc. Super Junior – M và gần đây nhất là EXO đã tạo ra cơn đổ bộ mới của làn sóng Hallyu lên đất Trung. Các nhóm nhạc biểu diễn ở Trung Quốc ngày một nhiều hơn, học tiếng Trung nhiều hơn, và đã có nhiều dự án hướng đến Trung Quốc hơn và có nhiều thành viên Trung Quốc hơn.
Những thành công không tưởng của nhà SM là bởi công ty đã tạo ra những cơn sốt toàn diện, mang lại những thay đổi lớn trong cuộc sống và nền âm nhạc giải trí. Điều đó đã tạo nên thương hiệu cũng như danh tiếng và vị thế nhất nhì của SM trong ngành giải trí Hàn Quốc.